top of page

Tính nghệ sĩ, óc sáng tạo và tâm hồn đa cảm: Vũ đạo của bản ngã trong ‘Fake Love’ (phần 3/4)

(Tiếp phần 2)


Lảm nhảm trước gương, ngươi là kẻ nào?


‘Fake Love’ tiếp tục câu chuyện kể về sự mất mát - mất tình yêu và mất bản thân - vốn làm nòng cốt cho comeback trailer ‘Singularity’. Câu chuyện này được miêu tả gợi hình và gợi cảm bởi Taehyung (và biên đạo Keone Madrid). Trong phân tích tâm lý học của Lacan, mất mát là điều kiện tiên quyết của tình yêu. Trong Seminar VIII, Lacan thảo luận về phương thức hoạt động của tình yêu bằng cách so sánh quả chín và đoá hoa. Owen Hewiston miêu tả rằng:


“Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy trước mắt mình một đoá hoa xinh đẹp, hay một quả chín mọng. Bạn vươn tay muốn bắt lấy nó. Nhưng khoảnh khắc bạn hành động, bông hoa, hay quả chín, đột nhiên bừng cháy. Ở nơi ngọn lửa, bạn nhìn thấy một bàn tay xuất hiện đang chìa về phía mình (2017)."


Ta có thể lý giải điều này dưới ánh sáng các công trình nghiên cứu của Lacan về ham muốn và dục vọng, bày tỏ rằng việc hoàn toàn thoả mãn ham muốn là không thể. Ông giải thích trong nghiên cứu của mình bằng cách liên hệ tới Giai Đoạn Chiếc Gương, giai đoạn mà tại đó một đứa trẻ muốn bước vào thế giới biểu tượng (thế giới của ngôn từ, thể chế và ngôn ngữ) thì nó phải tách khỏi người mẹ - khách thể ham muốn đầu tiên cho cả bé trai và bé gái, từ đó tạo ra năng lượng tổng hợp bởi ham muốn và mất mát (giai đoạn trước giai đoạn biểu tượng được gọi là tưởng tượng, là thế giới của hình ảnh và ảnh phản chiếu). Theo Lacan, khách thể ham muốn là dương vật ở cả nam và nữ: đàn ông muốn có dương vật, còn phụ nữ thì muốn trở thành dương vật và vì vậy, phụ nữ trở thành khách thể cho ham muốn của người đàn ông. Tất nhiên, điều này chẳng lãng mạn chút nào, đặc biệt là khi nó cho rằng phụ nữ phải trở thành một dạng khác - phải đeo mặt nạ - để đáp ứng được ham muốn. Để lý giải vấn đề nói ở đây, ta nhìn lại khái niệm đeo mặt nạ lần đầu được Joan Riviérè sử dụng trong bài viết “Womanliness as Masquerade” vào năm 1929. Tiến sĩ Dr. Jeanne S. M. Willette, một nhà lịch sử học hội hoạ và học giả, đã nói rất hay:


“Riviérè đưa ra phép so sánh giữa phụ nữ và người đồng tính - hai đối tượng đều phải đeo mặt nạ: đối với những người phụ nữ nam tính, mặt nạ của họ là sự cường điệu hoá nét nữ tính; còn đối với những người đồng tính, mặt nạ của họ là cường điệu hoá tính đàn ông để che đi sự mềm yếu. Chiếc mặt nạ là căn nguyên tạo ra nét kiều mị của đàn bà mà đàn ông sẽ chấp nhận (2013).”


Khi viết những bài thảo luận vào thập niên 20, trong làn sóng nữ quyền đầu tiên, Riviérè tranh luận rằng để người ta không nghĩ rằng những người phụ nữ lao động thời kì này đang thách thức vai trò lãnh đạo của đàn ông, họ phải trở nên cực kì nữ tính. Nếu lý giải theo hướng này, “tính đàn bà” không phải dùng để nói về đặc điểm giới tính trời sinh mà là chiếc mặt nạ phụ nữ phải đeo để thuận theo hệ tư tưởng cầm quyền. Tương tự, “tính đàn ông” cũng có vai trò che đậy sự nữ tính đang đe doạ định chuẩn hoá dị tính. Ở Hàn Quốc, khi idol nam thực hiện những hành vi không tuân theo quy định giới tính có sẵn thì bạo lực sẽ can thiệp để bù đắp vào khoảng hở đó (trong các chương trình thực tế, ta thường thấy thành viên các nhóm nam nhận hình phạt là bị đánh hoặc bị đá). Bạo lực có vai trò khẳng định lại tính đàn ông cần thiết của idol và nhấn mạnh rằng họ là nam giới. Điều quan trọng cần chỉ ra là khi idol nam khen vẻ ngoài của một đối tượng nam giống mình, ta không nên lấy đó suy diễn rằng họ là đồng giới, mà các đoạn phim trên Youtube ngày nay thì khá thích cho rằng KPOP là gay và/hay tất cả idol dều gay. Những đoạn phim đó là hậu quả của sự thiếu hiểu biết về mặt văn hoá. Khi người ta đăng những video như vậy, họ đang cần khẳng định ranh giới giữa các cặp khái niệm nam/nữ, đàn ông/đàn bà, thẳng/cong hơn là họ quan ngại về vấn đề nói đến trong video. Tuy nhiên, trong ‘Fake Love’, các thành viên của BTS bị ép buộc phải đeo mặt nạ để trở thành khách thể của ham muốn. Ta hiểu điểm này ở cả góc độ cá nhân lẫn chuyên nghiệp. Một idol hầu như không thể có một mối quan hệ yêu thương (hoặc tình dục) bình thường, bởi vì khi đó họ không thể trở thành người “bạn trai” hay “bạn gái” lý tưởng của fan hâm mộ. Nhìn dưới góc độ phương Tây thì ta khó mà hiểu được, bởi lẽ ở phương Tây, không hề có giới hạn nào ngăn trở mối quan hệ giữa fan và khách thể ham muốn hay bias, tất nhiên là trừ những mối quan hệ phản lại luân thường đạo lý. Trong một buổi phỏng vấn gần đây với Scott Evans, phóng viên của Access, khi được hỏi nhóm có đang hẹn hò ai không, RM đã trả lời “Chúng tôi muốn tập trung vào sự nghiệp… nên rất khó để hẹn hò” (2018). Trong một vài lần phỏng vấn khác, BTS luôn nhắc đến fandom ARMY của mình như những người bạn gái. Để được hẹn hò với tư cách một idol thì người đó phải bỏ công sức che giấu rất nhiều, dẫn tới nhiều người có thể cảm thấy nỗ lực họ bỏ ra là không đáng. Và tất nhiên những tin đồn hẹn hò có tác hại to lớn đến sự nghiệp một idol. Vậy nên việc nhấn mạnh mặt nạ và hoá trang vừa có thể liên quan đến đời sống cá nhân của các thành viên, vừa có thể là ẩn dụ cho nghề nghiệp của họ. Đoạn lời bài hát sau đây đã thể hiện quan điểm này: “Tôi ước có thể chôn giấu điểm yếu của mình Tôi trồng đoá hoa không thể trổ trong một giấc mộng không thể thành”

“Ngay cả tôi cũng không chắc tôi là ai Lảm nhảm trước gương “ngươi là kẻ nào?” (2018). BTS, cũng giống như những nhóm idol khác, có rất ít thời gian cá nhân, còn thời gian làm việc của họ thì liên tục được ghi hình và phát sóng để giải trí cho người xem. Đặt vào trong tình thế như vậy, ta dễ đánh mất bản thân mình khi liên tục phải đối mặt với ống kính máy quay, và ở phía bên kia thì fan và anti-fan lại bới móc từng hành vi của ta. Gánh nặng phải trở nên hoàn hảo trong nền công nghiệp KPOP nghĩa là bất cứ thứ gì không hoàn hảo đều bị phê phán một cách tiêu cục. Tất nhiên, chúng ta đều rõ rằng hoàn hảo chỉ là ảo tưởng và chỉ có thể được tạo ra bằng cách dùng công nghệ thao túng hình ảnh. BTS thảo luận về cái gian nan khi vừa phải sống như một idol, vừa phải sống cuộc đời bình thường qua ‘Burn the Stage’, một bộ phim tài liệu 8 tập về Wings Tour, được phát sóng gần đây trên Youtube Red. Theo nhiều góc độ, ‘Fake Love’ phản ánh những lo âu của họ về mâu thuẫn giữa bản thể chuyên nghiệp và riêng tư, và sự hoàn hảo dối trá nằm ở trung gian hai bản thể. (Hết phần 3) Tham khảo: https://phebinhvanhoc.com.vn/lacan-va-phan-tam-hoc-cau-truc/a

Comments


bottom of page