top of page

Tính nghệ sĩ, óc sáng tạo và tâm hồn đa cảm: Vũ đạo của bản ngã trong ‘Fake Love’ (phần 2/4)

(Tiếp phần 1)


Vì người, nặn ra lời giả dối đẹp đẽ


‘Fake Love’ trực tiếp theo sau ‘Singularity’, tiếp tục mở rộng vũ trụ siêu văn bản BTS về cả mặt thẩm mỹ lẫn chủ đề. Tôi đã thảo luận về vũ trụ này trong bài nhận định comeback trailer ‘Singularity’. Vũ trụ BTS là ví dụ cho khái niệm kể chuyện xuyên phương tiện, được định nghĩa là sự xây dựng một thế giới ảo phức tạp “chứa đựng những nhân vật có mối quan hệ tương quan đa tầng với nhau và những câu chuyện của họ” (Jenkins, 2007). ‘Fake Love’ có những hình ảnh gợi ta nhớ trực tiếp đến ‘DNA’ (2017) và ‘Blood, Sweat and Tears” (2016), ví dụ như bảng màu tương tự nhau, những cử chỉ được lặp lại, và phong cách dựng phim, chỉnh ảnh nói chung. ‘Fake Love’ giống những MV khác của BTS ở chỗ nó đặt người xem vào vị thế một người chủ động diễn giải ý nghĩa của câu chuyện, thay vì trở thành khán giả bị động. Jenkins viết rằng “Quá trình xây dựng một thế giới mới sẽ thúc đẩy cả độc giả và tác giả tìm hiểu, góp nhặt nhiều kiến thức”. Đây là một “thế giới liên tục mở rộng khỏi tầm với của con người” và vượt quá nỗ lực hiểu biết của chúng ta. Nghịch lý thay, chính sự bất lực trong cố gắng lý giải thế giới này lại mang đến cho ta một niềm khoái trá lạ (Jenkins, 2007). Nghịch lý trên được thể hiện đặc biệt rõ ràng qua cái mối liên hệ đa văn bản và siêu văn bản giữa ‘DNA’ và ‘Fake Love’ (và tất nhiên, ‘Blood Sweat and Tears’). Việc vận dụng khung lồng trong khung và không gian lồng trong không gian ở DNA (như ở hình dưới) có thể xem như việc lột tả sự mâu thuẫn trong cùng một bản thể, và chúng ta sẽ nhận thấy điều này nếu đặt nó trong ngữ cảnh là cả sự nghiệp của BTS. ‘DNA’ không phải là bài thơ về tình yêu lý tưởng như người ta đã nhận định vào thời điểm bài hát được phát hành. Thay vào đó, ta nên xem xét 'DNA' như lời phê bình cách thức ngôn từ xã hội và ngôn từ chính trị ở Hàn Quốc xây dựng khái niệm tình yêu. Vấn đề này có liên quan mật thiết đến sự tồn tại dai dẳng của tư duy gia trưởng và quan niệm định chuẩn hoá dị tính. (*)

* Định chuẩn hóa dị tính: Quan niệm cho rằng chỉ có xu hướng tính dục dị tính và những vai trò giới có liên quan mới là đúng chuẩn, còn những xu hướng và bản dạng khác với dị tính bị xem là không bình thường. Định chuẩn hóa dị tính được cho là góp phần gây ra tình trạng kỳ thị người LGBT.



Thế giới ‘DNA’ được nhào nặn cẩn thận bằng hệ thống những gam màu bổ túc đỏ, lam và vàng chói lọi đã bị thay thế bởi khung cảnh tối tăm, đầy xúc cảm ngay từ đoạn mở đầu đơn sắc trong ‘Fake Love’. ‘Fake Love’ một mặt sử dụng những màu sắc hỗ trợ nhau, một mặt thử thách với những sắc thái đối nghịch. Thông qua những điểm khác biệt và những điểm lặp lại, ‘Fake Love’ khiến chúng ta phải nhìn nhận lại ‘DNA’ và Love Yourself 承Her. Hồi tưởng lại MV này, ta bỗng nhận ra rằng ở những thời khắc mấu chốt, mối quan hệ giữa cận cảnh và viễn cảnh được lột tả bằng sự tương phản thay vì sự tương tự. Sự tương phản này nằm ở cách ứng dụng màu sắc và cách thay thế ánh sáng bằng bóng tối, ví dụ như ở cảnh quay cuối cùng khi từng thành viên đứng quay lưng lại ống kính, nhìn vào bầu trời đêm đen kịt và sâu hoắm đang bao bọc lấy họ. Hình tượng này ám chỉ bóng tối ẩn đằng sau vẻ ngoài tích cực hào nhoáng của ‘DNA’.

Để ngữ cảnh hoá câu chuyện này rõ hơn, ta cần xem lại comeback trailer ‘Singularity’, vốn có vị trí trung gian giữa ‘DNA’ và ‘Fake Love’. Thuật ngữ ‘Singularity’ có nhiều hơn một cách diễn dịch. Hai định nghĩa chính là 1) tính kì dị, và 2) trung tâm của hố đen được bao quanh bởi một chân trời sự kiện (**). Nếu chúng ta tạm thời chấp nhận cách lý giải thứ 2, ta có thể hiểu đoạn kết khi tất cả dần chìm vào màn đen của ‘DNA’ là đang ám chỉ định nghĩa này. Vậy thì hố đen vũ trụ là cái gì và tại sao nó lại có liên quan ở đây? Nói đơn giản, “hố đen là một cơ thể mà tại đó trường hấp dẫn mạnh đến nỗi không có gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra” (Curiel & Bokulich, 2009). Hố đen được định nghĩa như một biến dạng trong không-thời gian, là một điểm mà tại đó quỹ đạo của vật là bất định. Dưới góc độ chính trị và ngụ ngôn, hố đen là nơi có khả năng diễn ra sự tái cấu thành một ý nghĩa và diện mạo mới, vượt ra khỏi khuôn khổ của tư tưởng đã trống trị từ trước. Vì vậy, việc kết thúc của ‘DNA’ trở thành khởi đầu cho ‘Fake Love’ không phải là sự trùng hợp.

**chân trời sự kiện: một mặt biên ảo với kích thước hạn chế bao quanh hố đen, ở đó bất kì một vật chất nào (trừ thông tin) khi rơi vào đều sẽ biến mất vĩnh viễn khỏi vũ trụ.


Trong những công trình nghiên cứu của hai triết gia người Pháp Deleuze và Guattari (ta đang nói tới cả bài viết chung lẫn bài viết cá nhân của họ), điểm kỳ dị quan trọng là vì nó đánh dấu sự lột xác (đối lập với bản thể bất động trong thời gian) và vì vậy nó liên quan đến định nghĩa hố đen đã thảo luận ở trên. Trong tác phẩm The Three Ecologies (2005 [1989]) của Guattari, ông dùng thuật ngữ ‘kỳ dị hoá’ để nhấn mạnh cách cấu thành và phân giải một chủ thể thông qua quá trình vật chất-ký hiệu. Để triệt phá một hệ thống áp bức vừa chứa đựng vừa giam cầm chủ thể, phải mở ra một “vector chủ thể hoá mới” (2005, 25) để làm chất xúc tác cho thay đổi xảy ra. Một trong những chủ đề chính của ‘Fake Love’ là mối quan hệ giữa cái tôi chân thành và cái tôi giả tạo, ta là ai, ta nghĩ ta nên là ai để tuân theo hệ tư tưởng chi phối ta và tính ích kỉ tồn đọng bên trong hệ tư tưởng đó. Chiếc mặt nạ là ẩn dụ những vai diễn ta đảm nhận trong cuộc sống hằng ngày, và cách thức mà những hệ thống áp bức sự tự do ép ta đi vào khuôn khổ.


Vì chủ thể được định nghĩa là thực thể tồn tại trong không gian và thời gian, để mở ra vector mới cho chủ thể hoá diễn ra, cần có sự tái cấu thành những toạ độ không gian-thời gian truyền thống. Thường thì trong những MV KPOP, không gian là siêu thực và là nơi trung chuyển. Những không gian như vậy được gọi là “vô không gian” vì chúng không tương ứng về mặt địa lý với thực tại. Theo Michael Fuhr, những không gian như vậy thì “không đủ cụ thể để được xác định” (2015:145). Trong ‘Fake Love’, hành động diễn ra trong nhiều không gian khác nhau, tách biệt về mặt không gian lẫn thời gian. Mặc dù các thành viên có gắn kết với nhau ở không gian chung, từng người lại có không gian kể chuyện riêng biệt; trong đó, họ xuất hiện một mình, và ý thức duy ngã (***) của họ bị một bản ngã khác theo dõi. Điều này thể hiện sự thiếu hụt một chủ thể độc tôn và chắc chắn. Những không gian này được sắp xếp theo chiều dọc lẫn chiều ngang, và màu sắc được sử dụng trong từng không gian nhấn mạnh tính phân tầng của chủ thể chủ quan. Tất cả chúng đều liên hệ rõ rệt với vũ trụ BTS, tạo ra những mối liên kết siêu văn bản xuyên qua thời gian, khiến những chiều không gian xếp chồng lên nhau thay vì thể hiện sự tiến triển theo thời gian. Vai trò của những không gian như vậy là để tiết lộ bản chất ngắn hạn và phức tạp của tính cá nhân, cũng như mặt dối trá của một bản ngã đơn lẻ, cố định xuyên qua không gian-thời gian.

***Thuyết duy ngã: khuynh hướng triết học duy tâm chủ quan cực đoan, cho rằng chỉ có chủ thể có ý thức là hiện thực không nghi ngờ gì, còn lại tất cả chỉ là tồn tại trong ý thức của chủ thể đó mà thôi

Mặc dù sân khấu biểu diễn vũ đạo trong MV được chiếu sáng rực rỡ và vận dụng những màu sắc cơ bản, chói lọi, những không gian kể chuyện lại thường dùng các gam màu nhạt, xám xịt và u tối như ở trong bức hình phía trên. Jungkook chạy trên một sàn nhà đang đổ sập; máy quay dời xuống cho đến vị trí thấp nhất nơi Taehyung đứng, căm hầm được chiếu sáng chỉ bởi ánh sáng nhân tạo từ màn hình điện thoại. Ở cổng vòm thông ra hành lang, cụm từ “Save Me” được vẽ lên tường, ám chỉ cả không gian kể chuyện của ‘Fake Love’ và trực tiếp liên hệ đến MV ‘Save Me’ (2016), tiếp tục mở rộng vũ trụ BTS. Tóm lại, sự xếp đặt không gian có mục đích làm tiêu tán bản ngã thống nhất, thiêng liêng và phá vỡ tấm gương phản ảnh.


(Hết phần 2/4)

Comments


bottom of page