top of page

Tính nghệ sĩ, óc sáng tạo và tâm hồn đa cảm: Vũ đạo của bản ngã trong ‘Fake Love’ (phần 1/4)

Tác giả: Colette Balmain Dịch: ARMY Read More

Tiến sĩ Colette Balmain phân tích bài chủ đề của album Love Yourself 轉 Tear. ‘Fake Love’ là bài hát chủ đề cho album phòng thu thứ 3 của BTS - Love Yourself 轉 Tear (nhóm cũng đã phát hành 3 album tiếng Nhật, 2 repackage, 5 EP và 2 single) theo sau comeback trailer ‘Singularity’ (ra mắt ngày 6 tháng 5 năm 2018) về cả mặt thời gian lẫn chủ đề. Ngay sau khi được tung ra, ‘Fake Love’ thống lĩnh tất cả những bảng xếp hạng daily lẫn real-time trong nước (Melon, Genie, Bugs, Mnet, Naver và Soribada) cũng như iChart của Instiz, để rồi đạt được chứng chỉ perfect all-kill. Đây là thành tích nhóm có được mà không hề có sự hỗ trợ của việc xuất hiện trên các chương trình âm nhạc nội địa, thứ vốn thường đi kèm các album hay single mới. Thay vào đó, BTS lựa chọn biểu diễn sân khấu trở lại ngay tại Billboard Music Awards, cũng là lễ trao giải đã trao cho nhóm danh hiệu Top Social Artist năm thứ hai liên tiếp, và biểu diễn ‘Fake Love’ lần đầu tiên. Love Yourself 轉 Tear ra mắt trên bảng xếp hạng Billboard 200 ở vị trí số 1 và ‘Fake Love’ đứng hạng 10 trên Hot100. Chúng ta không thể xem nhẹ tầm quan trọng của thành tích này cũng như thành tựu của BTS. Love Yourself 轉 Tear là album không phải tiếng Anh đầu tiên trong 12 năm chạm đến ngôi vị hàng đầu bảng xếp hạng Billboard, và là album tiếng Hàn đầu tiên giữ ngôi vương, trong khi ‘Fake Love’ là bài hát tiếng Hàn chiếm giữ vị trí cao thứ hai mọi thời đại (‘Gangnam Style’ của PSY đạt hạng 2 vào năm 2012 trên Hot100). Thành công trước giờ chưa từng có này đã khiến cho Tổng thống Đại Hàn Moon Jae-in phải gửi thư chúc mừng đến BTS vào ngày 29 tháng 5 năm 2018 vừa qua. Bản thân album Love Yourself 轉 Tear đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc của 73 quốc gia từ lúc phát hành. MV ‘Fake Love’ cũng đã phá hàng tá kỉ lục của Youtube, bao gồm kỉ lục MV KPOP đạt 10, 50 và 100 triệu view nhanh nhất (đều là những kỉ lục mà BTS tự xác lập trước đó bằng ‘DNA’), và kỉ lục đạt 1, 2, 3, 4, 5 triệu lượt yêu thích nhanh nhất. MV này cũng xếp hạng 2 những MVs được xem nhiều nhất mọi thời đại trong ngày đầu tiên, vượt qua kỷ lục của PSY và đứng chỉ ngay sau ‘Look What You Made Me Do’ của Taylor Swift. ‘Fake Love’ và Love Yourself 轉 Tear cũng đập tan những kỉ lục dành cho một nghệ sĩ Hàn Quốc trên Spotify. Nói về chuyến lưu diễn thế giới của nhóm, bao gồm những concert đầu tiên ở Châu Âu, vé tour được bán sạch chỉ trong vài phút đồng hồ. Tất cả những thành tích kể trên đều minh hoạ cho sức hấp dẫn và ảnh hưởng toàn cầu của BTS, cũng như khả năng lên tiếng cho thế hệ trẻ của họ, những điều vốn chưa từng xảy ra trong lịch sử nhạc pop Hàn Quốc.


Tính tổng hoà là một nhân tố quan trọng lý giải vì sao BTS được yêu thích đến vậy. BTS công khai ủng hộ quyền lợi cho cộng đồng LGBT (ngay từ năm 2013 khi nhóm ra mắt), nói về bệnh trầm cảm và các vấn đề về sức khoẻ tinh thần, cũng như thay đổi lời bài hát ‘Fake Love’ khi biểu diễn ở Mỹ bởi vì cụm từ 내가 (tôi) có phát âm giống từ N*. Bên cạnh đó, nhóm còn thường xuyên trực tiếp giao tiếp với người hâm mộ qua mạng xã hội. Một ví dụ điển hình chính là sau khi thắng giải thưởng Top Social Artist tại BBMAs và trình diễn ‘Fake Love’, BTS đã thực hiện một buổi truyền hình trực tiếp qua Vlive để cảm ơn các fan thay vì tham dự các buổi tiệc sau lễ trao giải. Và cuối cùng, BTS đã tạo ra một vũ trụ siêu văn bản, đa phương tiện mang tính tổng hoà và đa dạng. Người hâm mộ của nhóm có thể thoải mái lý giải vũ trụ này vì bản thân nó vốn không bị giới hạn, và có rất nhiều lối đi vào và đi ra khỏi vũ trụ BTS đó. Dựa trên lý thuyết ngành truyền thông đại chúng, một trong những cách phổ biến để cắt nghĩa văn bản truyền thông, đặc biệt là dưới góc độ chủ nghĩa Mác và hậu Mác, là học thuyết mũi kim tiêm. Học thuyết này đặt ra mối quan hệ mang tính một chiều, đi từ thông điệp của các phương tiện truyền thông đến người tiêu dùng. Tuy vậy, lớp khán giả ngày nay không còn là những người dễ bị truyền thông lừa phỉnh, dại dột nghe theo những tư tưởng có sức chi phối lớn. Và người hâm mộ 1) không phải đều là nữ giới và 2) có khả năng tư duy phản biện và độc lập. Brodie Lancaster đã viết trong một bài đăng trên Pitchfork vào năm 2015 rằng:


“Người ta thường có cái nhìn khái quát và có phần bất công về fangirl rằng họ là những người tiêu dùng nhạt nhẽo, chỉ biết hăng hái tranh nhau mảnh áo mà một anh chàng nhạc công có mái tóc mộng mơ ném về phía mình. Thực tế thì fangirl đang tích cực thách thức nhận định đó, nhưng họ lại làm như vậy trong khối cầu của riêng mình, tách biệt khỏi một thế giới nhiễu loạn vẫn tự cho rằng họ không hề—hay không có khả năng—thưởng thức âm nhạc bằng những lý do “chính đáng.” (Lancaster, 2015)


Người hâm mộ của BTS, được biết đến với cái tên ARMY, miêu tả mối quan hệ giữa họ và BTS là mối quan hệ mà hai bên ủng hộ lẫn nhau. Trong bài nghiên cứu của tôi về các fandom KPOP, tôi có để ý thấy một mối quan tâm và tôn trọng mà những fan dành cho nhau, cũng như mong muốn chung được thể hiện bộ mặt tích cực của fandom mình (tránh xa những cuộc chiến fandom). Cuối cùng, tôi muốn nói rằng BTS sở hữu một sự nam tính giàu lòng đa cảm. Nó thể hiện qua mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên, cũng như chuyện họ sẵn sàng đối mặt với những nỗi sợ và những tâm tư sâu kín nhất của mình thông qua âm nhạc. Sự nam tính đầy xúc cảm này đóng vai trò quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của BTS, đặc biệt là trong thời đại đầy những chuẩn mực nam tính độc hại.


Hết phần 1/4



Comments


bottom of page